AN NINH - QUỐC PHÒNG AN NINH - QUỐC PHÒNG

Lừa đảo dọa khóa sim điện thoại
Publish date 31/10/2024 | 10:52  | Lượt xem: 90

Lợi dụng kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, một số chiêu thức lừa đảo "khóa thuê bao" tiếp tục tái diễn, do đó người sử dụng cần hết sức cảnh giác, đề phòng.

Nhận diện tội phạm

1. Các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước hoặc nhà mạng gọi điện và thông báo số điện thoại của người sử dụng sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 tiếng với các lý do như “chưa nộp phạt”, “thuê bao sai thông tin”.

2. Yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân.

3. Đối tượng tiếp tục hướng dẫn người dùng thực hiện một số bước tiếp theo như: thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi...

4. Khi đã chiếm được quyền nhận cuộc gọi, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trong tài khoản hoặc chiếm đoạt (hack) tài khoản mạng xã hội của nạn nhân.

5. Hoặc đối tượng thông báo khóa sim do số điện thoại liên quan đến vi phạm pháp luật, rửa tiền và mua bán người. Đối tượng yêu cầu nạn nhân hợp tác nếu không cơ quan Công an sẽ bắt giam chị. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để kiểm tra rồi thực hiện chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Khuyến cáo của Cơ quan Công an

1. Người dân chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Cấu trúc nhắn tin: TTTB gửi 1414. Không thực hiện theo các yêu cầu hướng dẫn chuẩn hóa thông tin thuê bao từ số điện thoại lạ.

2. Truy cập vào các trang web hoặc gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng của nhà mạng di động để được hỗ trợ, hướng dẫn.

3. Đối với các thuê bao đã bị khóa hai chiều, người dân phải đến trực tiếp các điểm giao dịch của các nhà mạng để thực hiện chuẩn hóa và mở khóa liên lạc lại.

4. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân qua điện thoại cho những người không quen biết.

5. Phổ biến cho những người thân trong gia đình thủ đoạn tội phạm nêu trên và các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng khác để cùng biết để phòng tránh.

6. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gửi tố giác tội phạm qua chức năng “Gửi kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID.