HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
Theo ghi nhận của hệ thống canhbao.khonggianmang.vn, trong 6 tuần kể từ đầu tháng 6 có 7.830 phản ánh của người dùng về các trường hợp lừa đảo. Trong đó, tuần cuối tháng 6 và hai tuần đầu tháng 7, mỗi tuần phản ánh của người dùng đến hệ thống đều tăng gấp 5 lần so với những tuần đầu tháng 6.
Theo đó, 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trong tuần từ 15-21/7 là:
- Lập tài khoản Facebook giả để bán đồ điện tử: đối tượng lừa đảo đã lập và sử dụng tài khoản Facebook kèm theo các thông tin giả mạo để bán đồ điện tử và các mặt hàng liên quan mặc dù khi được kiểm tra thì đối tượng không hề có hàng hóa.
Khi người tiêu dùng muốn mua hàng, đối tượng đã ra nhiều ưu đãi hơn so với thi trường; đồng thời đối tượng cũng sử dụng ứng dụng "GHN-GiaoHangNhanh" để tạo đơn giả nhằm lấy niềm tin của người mua hàng để họ chuyển tiền trước.
Cục An toàn thông tin khuyên người dân không nên mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chỉ giao dịch khi xác nhận được độ tin cậy. Ngoài ra cần kiểm tra kỹ thông tin, đánh giá của người mua cũng như chế độ bảo hành, hoàn tiền để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
- Bẫy cài đặt phần mềm dịch vụ công giả: đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ công an gọi điện thông báo cho người dân về việc căn cước công dân của họ bị lỗi cần cập nhật. Tuy nhiên, với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ, đối tượng yêu cầu người dùng tải phần mềm giả mạo, từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về lừa đảo trực tuyến, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không truy cập đường link hoặc kho ứng dụng không chính thống để cài đặt ứng dụng lạ. Khi cần hỗ trợ nội dung liên quan về tài khoản định danh điện tử cần tới trực tiếp công an địa phương để được hướng dẫn.
- Lừa chiếm đoạt tài sản khi tham gia "hệ thông phân phối gum": đối tượng lừa đảo kết bạn với người dùng trên Facebook sau đó giới thiệu họ tham gia hệ thống phân phối trên trang gumru.online với nhiều lợi nhuận. Để trở thành nhà phân phối, nạn nhân cần nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu của hệ thống.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, cần xác minh các thông tin trên trang mạng xã hội, không nên tin tưởng lời mời chào "việc nhẹ, lương cao", không cung cấp thông tin cá nhân cũng như chuyển tiền nếu chưa xác minh được danh tính đối tượng.
Trong trường hợp phát hiện bị lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
- Lừa đảo, mạo danh người nổi tiếng: đối tượng lừa đảo tiếp cận và dụ dỗ nạn nhân qua các quảng cáo trên mạng xã hội. Các quảng cáo được đưa ra dưới danh nghĩa các công ty, tập đoàn công nghệ lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng kêu gọi, dụ dỗ người dân đầu tư tiền vào nhiều mục đích khác nhau với nhiều cơ hội kiếm tiền.
Bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, các quảng cáo còn xuất hiện với nội dung là những vụ bê bối, thu hút sự chú ý bằng thông tin sai sự thật, bức ảnh giả mạo nhằm kích thích trí tò mò. Để xem được thông tin cụ thể, cần ấn vào đường link được đính kèm trong các quảng cáo , sau đó người dùng sẽ được chuyển tới các website gần giống các trang web uy tín và người xem cần cung cấp thông tin cá nhân để đăng nhập. Từ đó, người dùng sẽ bị lấy cắp thông tin nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Từ đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những bài viết dễ gây hiểu nhầm trên mạng xã hội. Người dân cần xác thực tính chính xác của thông tin, không truy cập đường link đính kèm, không cung cấp thông tin cá nhân cũng như chuyển tiền cho đối tượng chưa xác minh được danh tính.
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua email liên quan đến dịch vụ bất động sản: sự việc được ghi nhân tại Úc, một người phụ nữ bị lừa mất 26.000 USD khi rao bán căn hộ của mình. Theo đó, sau khi làm việc với công ty môi giới bất động sản, địa chỉ email của nạn nhân đã bị xâm nhập, sửa nội dung thông tin tài khoản ngân hàng nạn nhân thành số tài khoản của đối tượng lừa đảo, sau đó tắt chế độ thông báo khi có thông tin từ công ty môi giới.
Ủy ban Người tiêu dùng và cạnh tranh Úc cho biết đây là hình thức mới nhắm tới những người sử dụng dịch vụ của các công ty bất động sản, luật pháp hoặc xây dựng. Các đối tượng tấn công vào tài khoản email của nạn nhân qua các quảng cáo, đường dẫn có chứa phần mềm theo dõi thiết bị. Sau khi người dùng truy cập vào đường dẫn thì sẽ bị đối tượng lừa đảo chiếm quyền sử dụng email.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không truy cập đường dẫn lạ, cảnh giác trước các tin nhắn, quảng cáo xuất hiện trên mạng xã hội. Khi cung cấp thông tin, dữ liệu quan trọng qua email cần xác minh lại với người gửi khi thấy thông tin có dấu hiệu chỉnh sửa. Người dân cũng cần có biện pháp bảo mật cho tài khoản email cũng như các tài khoản trực tuyến khác.