AN NINH - QUỐC PHÒNG
UBND thành phố chỉ đạo rà soát 100% các cơ sở, hộ gia đình để đảm bảo nơi nào có người dân sinh sống đều được kiểm tra, phân loại để xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cụ thể.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Chương trình số 02/CTr-UBND về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.
Theo UBND thành phố, dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao có xu hướng gia tăng. Trong khi đó hạ tầng cơ sở, giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, CNCH còn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của Thủ đô; lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy, CNCH mặc dù được tăng cường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH của các công trình, cơ sở chưa thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, cơ sở xây dựng, hoạt động trước khi Luật PCCC có hiệu lực vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; ý thức, trách nhiệm, nhận thức về PCCC và CNCH của một số bộ phận người đứng đầu cơ sở và người dân còn hạn chế...
Để làm tốt nhiệm vụ này, UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành cần xác định rõ, công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH là công việc, nhiệm vụ thực hiện của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ riêng của lực lượng, cơ quan, đơn vị nào, tuyệt đối không được “phó mặc” cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Trong công tác PCCC phải xác định lấy phòng ngừa là chính, lấy phòng là “Cơ bản - chiến lược - lâu dài ”, phòng ngừa cháy, nổ phải từ sớm, từ xa và ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn của người dân trong PCCC và CNCH nhằm đẩy lùi, tiến tới không để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
UBND thành phố cũng chỉ đạo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời xác định rõ nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp..., bảo đảm việc tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất. Quá trình thực hiện phải lồng ghép phù hợp với công tác chuyên môn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
Ngoài yêu cầu trên, UBND thành phố cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về PCCC và CNCH, trong đó trọng tâm là nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, CNCH. Theo đó, các cấp, ngành cần tiếp tục làm tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và CNCH, duy trì công tác kiểm tra thường trực sẵn sàng chiến đấu tại các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH. Đặc biệt, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn được tiếp nhận, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác; kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường giải quyết các tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; nâng cao chất lượng công tác điều hành chỉ huy chữa cháy và CNCH; thực hiện nghiêm túc công tác rút kinh nghiệm vụ cháy, sự cố, tai nạn theo quy định.
UBND thành phố cũng chỉ đạo thường xuyên, định kỳ kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; tổ chức thực tập các phương án chữa cháy và CNCH có huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị tham gia xử lý tình huống cháy, sự cố, tai nạn quy mô lớn, diễn biến phức tạp tại các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; rà soát 100% các cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn thành phố, đảm bảo nơi nào có người dân sinh sống đều phải được kiểm tra, phân loại để xây dựng phương án, biện pháp, giải pháp PCCC và CNCH đối với từng trường hợp cụ thể…