VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Cẩn trọng khi chọn cơ sở thẩm mỹ
Publish date 19/07/2024 | 08:36  | Lượt xem: 102

Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng số ca nhập viện do gặp phải những biến chứng nghiêm trọng của việc làm đẹp một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết vẫn gia tăng trong thời gian gần đây.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng theo các chuyên gia y tế, người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn các thủ thuật, cơ sở thẩm mỹ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

bien-chung.jpg
Nữ bệnh nhân bị sốc phản vệ do truyền chất làm trắng da được điều trị tại Bệnh viện E. Ảnh: Thanh Xuân

Nhiều ca biến chứng nghiêm trọng

Liên tục tiếp nhận điều trị cho các ca tai biến, thẩm mỹ hỏng, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương khẳng định, các tai biến liên quan đến làm đẹp chủ yếu do thực hiện tại cơ sở chưa được cấp phép, nhân viên thực hiện thủ thuật không phải là bác sĩ. Rủi ro không chỉ đến từ việc phẫu thuật, mà các phương pháp làm đẹp khác như: Tiêm filler, botox, meso hay laser, peel da... đều có nguy cơ xảy ra tai biến. Khi nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, dịch vụ, thủ thuật tăng lên kèm theo biến chứng, tai biến của thẩm mỹ cũng tăng theo.

Mới đây, nữ bệnh nhân H.N.N (40 tuổi ở tỉnh Lạng Sơn) đã đến Bệnh viện Da liễu trung ương khám trong tình trạng sưng nề toàn bộ vùng mặt, môi, mi mắt. Thậm chí, vùng môi của bệnh nhân sưng to như quả cà chua khiến việc ăn uống rất khó khăn. Trước đó, nhân viên của một cơ sở spa làm đẹp đã trộn 1 loại meso (thủ thuật tiêm thuốc để làm đẹp) chưa rõ nguồn gốc và 1 loại mỹ phẩm dạng serum chỉ dùng để bôi rồi tiêm hỗn hợp này vào vùng mặt của chị N.

Ngay giữa tháng 7-2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thông tin về việc tiếp nhận 2 ca biến chứng nghiêm trọng do tiêm filler (chất làm đầy), trong đó một bệnh nhân bị mất hoàn toàn thị lực, người còn lại bị áp xe ngực. Cũng trong tháng 7 này, các bác sĩ Khoa Dị ứng miễn dịch và da liễu (Bệnh viện E) tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân (46 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ, men gan tăng… do sử dụng phương pháp truyền chất làm trắng da bằng tế bào noãn thực vật không rõ nguồn gốc, thành phần tại một cơ sở spa.

Trước đó, trong tháng 6-2024, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để điều trị nám da. Theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, 5 bệnh nhân này đều sử dụng các loại kem tẩy nám có chứa hàm lượng thủy ngân gấp hàng nghìn lần so với ngưỡng cho phép. Khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi này, thủy ngân sẽ ngấm qua da và gây nhiễm độc cho người sử dụng.

“Nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như: Gây suy thận, tổn thương não (viêm não, rối loạn tâm thần); ảnh hưởng đến thị lực (mất thị lực, giảm khả năng nhìn hay phân biệt màu sắc)…”, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên dẫn chứng.

Phải chọn nơi uy tín

Từ việc tiếp nhận điều trị cho nhiều ca tai biến do tiêm chất làm đầy, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho rằng, nếu làm đẹp đúng chỉ định, do bác sĩ chuyên khoa thực hiện thì tỷ lệ biến chứng rất ít. Thế nhưng trên thực tế, các ca tai biến, làm đẹp hỏng mà bệnh viện tiếp nhận điều trị phần lớn do người thực hiện không được đào tạo cơ bản. Họ chỉ “học lỏm” qua các khóa đào tạo bên ngoài, rồi quảng cáo, giới thiệu như chuyên gia và tùy tiện làm đẹp cho người dân.

“Bác sĩ là người được đào tạo bài bản về cấu trúc giải phẫu, sinh lý… để biết vùng nào được can thiệp, vị trí nào phải thận trọng. Chẳng hạn, với việc tiêm filler, bác sĩ sẽ biết được vị trí mạch máu để không tiêm vào, vì dễ gây tắc mạch, dẫn đến mù mắt, hoại tử... Còn với người không có chuyên môn khi nhìn thấy bác sĩ tiêm filler lại nghĩ là đơn giản và liều lĩnh tiêm cho khách hàng trong khi không hiểu được cấu tạo cơ thể người nên dễ dẫn đến tai biến”, Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn cảnh báo.

Để hạn chế các tai biến đáng tiếc xảy ra, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hữu Doanh, việc sửa chữa lỗi do thẩm mỹ hỏng rất phức tạp. Bệnh nhân không chỉ tốn kém về tiền bạc, suy giảm sức khỏe mà thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, để làm đẹp an toàn, đừng nên mách nhau đến những cơ sở làm đẹp trôi nổi, không được cấp phép. Thay vào đó, khi có nhu cầu làm đẹp, người dân cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn các bệnh viện chuyên khoa, cơ sở làm đẹp uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở làm đẹp “chui”, không phép và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm, các bác sĩ đều cho rằng, chính người dân khi làm đẹp phải biết chọn nơi uy tín, biết rõ các sản phẩm đưa vào người là chất gì, có được Bộ Y tế chứng nhận và cấp phép hay không. Nếu đã sử dụng sản phẩm mà cảm thấy nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm về chất lượng, thì cần chủ động đi kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời.