TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

Từ năm 2025, Hà Nội giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã
Ngày đăng 14/11/2024 | 14:58  | Lượt xem: 81

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại Hà Nội từ ngày 1-1-2025.

dvhc3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Sáng 14-11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố (trong đó có thành phố Hà Nội).

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tham dự phiên họp.

Trình bày phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành phố Hà Nội sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới. Sau sắp xếp, thành phố giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã.

Tính chung Hà Nội cùng với 11 tỉnh, thành phố khác (An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc), Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.

dvhc1.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn

Có 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp huyện; 10 tỉnh, thành phố (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, thành phố Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 đơn vị hành chính cấp xã.

Về số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Cấp huyện có 136 người dôi dư; Cấp xã có 3.342 người dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư theo đúng quy định.

Về giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính: Cấp huyện có 9 trụ sở dôi dư; Cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, thành phố đã xây dựng phương án chi tiết để xử lý số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.

dvhc2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố như Chính phủ trình. Hồ sơ Đề án bảo đảm đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Về dự thảo các Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý cách thể hiện, chuẩn hóa thông tin, số liệu liên quan trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm chính xác và thống nhất. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và chính quyền địa phương, đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của các nghị quyết từ ngày 1-1-2025, riêng đối với Nghị quyết của tỉnh Sơn La có hiệu lực từ ngày 1-2-2025, để tạo điều kiện cho các địa phương trong công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự thống nhất đối với phương án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố.

dvhc4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Bộ Nội vụ và các tỉnh, thành phố đã chuẩn bị chất lượng, công phu, kỹ lưỡng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các tỉnh, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm việc chậm trình đề án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, cần bắt tay vào thực hiện ngay các phương án sắp xếp sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sắp xếp cơ bản phải phù hợp với quy hoạch liên quan, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn loại hành chính tương ứng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát lần nữa các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cần thống nhất nhận thức, tư tưởng trong cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; tuyên truyền mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân; ổn định các hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn, không để xảy ra xáo trộn lớn đối với cán bộ dôi dư; không để lãng phí trụ sở cơ quan, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính…

dvhc5.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết. Ảnh: media.quochoi.vn

Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 12 dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố. Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, riêng đối với nghị quyết của tỉnh Sơn La là từ ngày 1-2-2025.