CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

TĂNG MỨC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH LÀ CẦN THIẾT
Ngày đăng 12/04/2024 | 15:06  | Lượt xem: 41

Điều 33 dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nêu rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Luật Thủ đô đang được xem xét sửa đổi đã đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính.

Không quá 2 lần mức tiền phạt chung

Cụ thể, Điều 33 dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 nêu rõ việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đồng thời, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với 5 loại công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; Công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

Thảo luận về nội dung này tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực, nâng mức xử phạt, mở rộng phạm vi áp dụng và bổ sung một số biện pháp như cắt điện, nước, nhằm góp phần xử lý dứt điểm hành vi vi phạm hành chính, sớm lập lại trật tự kỷ cương, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô là cần thiết.

Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố, nhằm khắc phục 2 chế độ xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành, mặt khác cũng khắc phục sự bất hợp lý là cùng một hành vi vi phạm hành chính trên cùng một địa bàn nhưng mức xử phạt lại khác nhau.

Đại biểu cũng cho rằng, quy định trên cũng phù hợp với nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đó là việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành công khai, khách quan và công bằng.

“Tôi đồng tình với quan điểm là mở rộng địa bàn áp dụng cả nội thành và ngoại thành, theo hướng nâng mức xử phạt không quá 2 lần so với quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài tôi đề nghị cân nhắc nghiên cứu để sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm áp dụng chung cho tất cả các thành phố trực thuộc trung ương trên phạm vi cả nước”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu rõ.

Cần thiết để xử lý dứt điểm, hiệu quả các vi phạm

Về áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước, tại khoản 3 Điều 33 dự thảo Luật quy định "người cung cấp dịch vụ điện, nước có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ ngay khi có yêu cầu của người có thẩm quyền quy định tại khoản 3 điều này, bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng, thời hạn".

Đại biểu phân tích, đây được coi là biện pháp mạnh, cần thiết trong việc xử lý dứt điểm, hiệu quả các hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh các hành vi vi phạm hành chính xảy ra khá tràn lan, phương thức, biện pháp quản lý còn chưa thực sự hiệu quả, trật tự quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn bị xâm hại, thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên một số lĩnh vực còn tương đối lớn.

Bày tỏ đồng tình với việc bổ sung các biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị xem xét 2 khía cạnh. Thứ nhất là việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp điện, nước trong dự thảo Luật có thuộc biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hay không? Nếu không thì đề nghị giải trình rõ quy trình, thủ tục thực hiện.

Thứ hai là việc cung cấp điện, nước là sự thỏa thuận cung cấp dịch vụ giữa bên cung cấp dịch vụ với người sử dụng dịch vụ được xác lập trên cơ sở thỏa thuận thông qua hợp đồng. Việc thay đổi, tạm ngừng, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng phải được xử lý theo quy chế hợp đồng, nghĩa là do các bên tự thỏa thuận. Do đó, trong dự thảo Luật cần có điều khoản ràng buộc cả tổ chức, cá nhân khi thỏa thuận cung cấp dịch vụ điện, nước trong hợp đồng phải thể hiện nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đề nghị xem xét có quy định xử lý chuyển tiếp đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã tạo lập trước ngày Luật Thủ đô sửa đổi có hiệu lực hay không.

“Tôi hy vọng rằng Luật Thủ đô sẽ có những sửa đổi phù hợp và tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xây dựng phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí, vai trò trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia. Thủ đô là trái tim của cả nước, tôi cũng rất mong trong thời gian tới, Luật sẽ được hoàn thiện và được thông qua trong kỳ họp thứ 7 này”, đại biểu nói.