CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ CHÍNH TRỊ - KINH TẾ - ĐÔ THỊ

Quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng:Góp phần lập lại trật tự, văn minh đô thị
Ngày đăng 28/10/2024 | 07:55  | Lượt xem: 155

Từ ngày 15-10-2024, Thông tư số 08/2024/TT-BXD quy định về việc đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành, chính thức có hiệu lực.

 

"Cây gậy pháp lý" này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng lộn xộn, tùy tiện trong đánh số, gắn biển số nhà, góp phần lập lại trật tự, văn minh đô thị tại các địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội.

bien-so-nha.jpg
Biển số nhà không thống nhất tại phố Yên Lãng (quận Đống Đa). Ảnh: Triệu Hoa

"Ma trận" số nhà

Từ năm 2014, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND về quy chế đánh số, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, các quận, huyện, thị xã đã triển khai việc gắn biển số nhà, chấn chỉnh tình trạng tự ý đánh số nhà, góp phần bảo đảm trật tự, văn minh đô thị, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện yêu cầu giao tiếp, tiếp nhận thông tin, liên lạc, giao dịch thương mại, dân sự và các giao dịch khác.

Tuy nhiên, theo biến động thời gian, tại hàng loạt tuyến đường, phố trên địa bàn Hà Nội dễ dàng nhận thấy tình trạng biển số nhà lộn xộn, không theo trật tự. Thậm chí có tình trạng một căn nhà gắn tới 2 biển số, khiến những người đi tìm địa chỉ bối rối như lạc vào “ma trận”.

Có thể kể ra hiện trạng số nhà “nhảy cóc” trên các tuyến đường: Trần Thái Tông, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Thùy Trâm (quận Cầu Giấy); biển số nhà của các hộ kinh doanh, buôn bán không thống nhất tại các tuyến đường Hoàng Cầu và Nguyễn Hy Quang; hoặc lộn xộn trong gắn biển và tên đường trên các tuyến đường: Hoàng Cầu, Yên Lãng, Thái Hà (quận Đống Đa)...

Ngoài ra, “loạn” biển số nhà còn gây nhiều bất tiện, thậm chí bức xúc trong sinh hoạt cho người dân tại đường K2, K3, phố Tó, đường Cầu Cốc (quận Nam Từ Liêm); đường Tân Mai, đường bờ sông Sét (quận Hoàng Mai)…

Nguyên nhân của những bất cập trên là do một số tuyến đường mới được đặt tên, mở rộng, kéo dài nhưng chậm gắn biển số nhà, khiến người dân tự phát treo biển tên, gắn số nhà. Khi chính quyền cấp số mới, một số hộ vẫn giữ lại số cũ, dẫn đến việc tồn tại song song hai số nhà trên cùng một địa chỉ. Tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư tự đặt tên, đánh số nhà thiếu chuẩn hóa, không đưa vào hệ thống quản lý của chính quyền địa phương.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, qua quản lý, kiểm tra nhận thấy, tại một số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, khu công trình xây dựng tập trung, điểm dân cư nông thôn…, việc chấp hành đánh số, gắn biển số nhà chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng các chủ đầu tư tự đánh số, gắn biển số nhà, biển chỉ dẫn công trình công cộng khi chưa thực hiện thỏa thuận phương án thực hiện với cơ quan có thẩm quyền.

Để thuận lợi trong công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch, Sở Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị thành phố kiểm tra công tác đánh, gắn biển số nhà và biển chỉ dẫn công cộng trên địa bàn để có các biện pháp xử lý, chấn chỉnh; đồng thời xem xét gắn biển số nhà tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xử lý tồn tại, không gây xáo trộn

Trên phạm vi cả nước, việc đánh và gắn biển số nhà tại các địa phương trước đây thực hiện theo Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vương Duy Dũng, sau 18 năm, các địa phương căn cứ vào quy chế này đã triển khai thực hiện tương đối tốt, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra vẫn còn nhiều nơi, việc thực hiện quy chế chưa thực sự nghiêm túc, cả từ phía chính quyền và người dân. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có tình trạng “nhà loạn số, phố loạn nhà” do công tác quản lý thiếu đồng bộ, thống nhất và nhiều nguyên nhân khách quan khác.

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 của Bộ Xây dựng cũng như nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BXD quy định đánh số và gắn biển số nhà, công trình xây dựng thay thế cho Quyết định số 05/2006/QĐ-BXD.

“Thông tư số 08/2024/TT-BXD đã kế thừa và có một số nội dung sửa đổi, bảo đảm nguyên tắc chặt chẽ, thống nhất với các quy định cụ thể trong thực hiện việc đánh và gắn biển số nhà, kể cả cho nhóm nhà, ngôi nhà trong một nhóm nhà, căn hộ chung cư, số nhà tại dự án khu công nghiệp, các loại biển số… trên các đường phố, ngõ, ngách, hẻm… Thông tư cũng đã quy định cụ thể nguyên tắc đánh, gắn biển số nhà tại đô thị và nông thôn”, ông Vương Duy Dũng nêu.

Để xử lý tồn tại về đánh số và gắn biển số nhà tại một số địa phương trong cả nước, trong đó có Hà Nội, ông Vương Duy Dũng cũng cho biết, việc đánh số và gắn biển số nhà theo quy định mới áp dụng đối với những khu vực mới xây dựng, khu vực chưa đánh số nhà. Đối với phố cổ, phố cũ, khu vực đã có số nhà trước đây hay một số trường hợp phát sinh trong thực tiễn, UBND cấp quận, huyện, thị xã có thẩm quyền rà soát, xem xét, quyết định việc tổ chức thực hiện đánh số và gắn biển số nhà để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, hiệu quả, ổn định chính trị, xã hội, không gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tại Hà Nội, với trách nhiệm được giao, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ hướng dẫn UBND cấp huyện, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp thực hiện đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn theo quy định của Thông tư số 08/2024/TT-BXD. Đồng thời, Sở Xây dựng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về đánh số và gắn biển số nhà; báo cáo và kiến nghị xử lý với UBND thành phố những trường hợp vượt thẩm quyền.