HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Hà Nội thực hiện hiệu quả các nền tảng xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Ngày đăng 27/11/2024 | 15:43  | Lượt xem: 111

Thành phố Hà Nội luôn xác định việc triển khai hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 là một trong những mục tiêu quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

dean1.jpg
UBND thành phố Hà Nội công bố vận hành một số ứng dụng, nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn, ngày 28-6. Ảnh: Viết Thành

Kết quả ấn tượng trong xây dựng chính quyền số

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, thành phố Hà Nội luôn quán triệt và xác định việc triển khai có hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 là một trong những mục tiêu quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của thành phố với một mục tiêu xuyên suốt “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá hiệu quả công việc”. Đồng thời, thành phố cũng thực hiện 3 nguyên tắc làm việc: “Thượng tôn pháp luật - Luôn luôn lắng nghe - Thái độ phục vụ” và 6 phấn đấu: “Nhận thức đầy đủ - Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh - Hành động quyết liệt - Kết quả thực chất”.

Thành phố đã kiện toàn và hợp nhất ba Ban Chỉ đạo, gồm cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 thành một Ban Chỉ đạo, do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Thành phố đã thiết lập và duy trì kênh liên lạc thống nhất, xuyên suốt từ cấp thành phố đến cấp cơ sở (toàn thành phố hiện có gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân).

Thành phố đã xây dựng và triển khai hệ thống văn phòng điện tử thống nhất, xuyên suốt từ cấp thành phố đến cấp xã. Đến nay, hệ thống đã được triển khai tại hơn 3.100 cơ quan, đơn vị (bao gồm: 22 sở, ngành; 30 quận, huyện; 579 xã, phường, thị trấn; 2.500 cơ sở giáo dục). Đặc biệt, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước hiện được luân chuyển trên hệ thống điện tử, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.

Việc áp dụng chữ ký số toàn trình tại Hà Nội không chỉ nâng cao giám sát xử lý công việc và thủ tục hành chính đúng thời hạn, mà còn tiết kiệm chi phí hành chính như giấy và mực in. Ước tính, mỗi năm tiết kiệm khoảng 160 tỷ đồng.

Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi”.
Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng “Công dân Thủ đô số - iHanoi”. Ảnh: Phú Khánh

Nhiều chính sách phát triển xã hội số

Để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thông qua việc sửa đổi Luật Thủ đô và ban hành các Nghị quyết đặc thù trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06.

Hà Nội thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công trực thuộc thành phố hướng tới 3 phi: “Phi trung gian, phi địa giới hành chính, phi vật chất”. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID…

Các ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp, phát triển xã hội số được thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt, đặc biệt là ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi), là nơi người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực. Qua 5 tháng triển khai, iHanoi đã có hơn 1,5 triệu tài khoản.

Từ khi ra mắt đến nay, ứng dụng iHanoi đã thực hiện xử lý hơn 19.000 phản ánh, kiến nghị hiện trường và hơn 1.800 phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính, hơn 55% đánh giá hài lòng. Đồng thời qua ứng dụng iHanoi, thành phố đã truyền thông, cảnh báo hơn 2.200 lượt thông tin.

Thành phố đã triển khai thí điểm thành công Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử thành phố; thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng chính sách an sinh xã hội; thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt; thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà, căn hộ và dữ liệu dân cư trên địa bàn thành phố…

lanh-dao-thanh-pho-ha-noi-kiem-tra-mo-hinh-thu-phi-trong-giu-phuong-tien-khong-dung-tien-mat-tai-quan-tay-ho..jpg
Hà Nội tiếp tục triển khai nhân rộng bãi, điểm trông giữ phương tiện giao thông không sử dụng tiền mặt. Ảnh: Lê Hải

Đối với các mô hình cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 đã đạt được kết quả có tính định lượng trong những tháng đầu năm 2024, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì, thúc đẩy, nâng cao các chỉ số.

Trong đó, phấn đấu triển khai Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID đạt tỷ lệ trên 30%. Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID hiện đạt 74,68%, phấn đấu sẽ đạt hơn 80%.

Triển khai mở rộng 12 kiosk khám sức khỏe tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Nhân rộng bãi, điểm trông giữ phương tiện giao thông ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không sử dụng tiền mặt tại các quận, huyện khác và nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hơn 90%.

Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thành phố Hà Nội duy trì chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi trả an sinh xã hội qua tài khoản 100% đối với các cá nhân có tài khoản ngân hàng. Đẩy mạnh triển khai giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đánh giá khả năng tín dụng của khách hàng vay.

Thành phố cũng phấn đấu nhập liệu 100% cơ sở dữ liệu, và mục tiêu trong thời gian tới, toàn bộ công tác quản lý, thống kê, báo cáo về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố sẽ được khai thác trên phần mềm.